Câu Chuyện Về Những Chiếc Kim Đồng Hồ(P3)

Bài viết này muốn hướng sự chú ý của mọi người đến bộ kim của bất kỳ chiếc đồng hồ nào. Quan niệm về thời gian của mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào những bộ kim kỳ diệu này. Khi nhìn những chiếc kim lớn trên những mặt đồng hồ lớn ở bến xe, bến tàu chúng ta cảm nhận được thời gian trôi qua rõ rệt đến từng giây, còn đối với những chuyển động nhỏ trên cổ tay thì khó nhận thấy hơn.

GRANDE SECONDE – NHỮNG CHIẾC KIM GIÂY LỚN CỦA JACQUET DROZ


Jaquet Droz - một trong những xưởng sản xuất đồng hồ lâu đời của Thụy Sỹ - là công ty luôn nhấn mạnh đến yếu tố cảm xúc và tính thẩm mỹ trong mỗi chi tiết sản phẩm của họ. Hai yếu tố này cũng hòa quyện lẫn nhau trong mỗi kiệt tác của hãng. Bạn có thể thấy rõ điều ấy trong bộ sưu tập Grande Second. Jaquet Droz đã sáng tạo nên một mẫu đông hồ mà sau này được gọi là thiết kế hình số 8. Chiếc đầu tiên của thiết kế này là Grande Second Hand, đã mang đến cho thế giới cách tiếp cận mới về không gian và thời gian. Model đầu tiên của bộ sưu tập Grande second được nhà sáng lập Jaquet Droz chế tạo năm 1785 và từ đó chiếc đồng hồ này được những người yêu mến đồng hồ cao cấp trên khắp thế giới biết đến. Một điều thú vị là tuy những người thợ của Jaquet Droz không để tâm nhiều đến những complication mới nhất mà chỉ tập trung giới thiệu những sản phẩm có thiết kế kim giây lớn như một biểu tượng bất tử của hãng. Tuy vậy, hãng vẫn sản xuất những chiếc Jaquet Droz Grande Second có tính năng minute repeater hay tourbillion. Chiếc kim giây lớn của Jaquet Droz có lẽ là những chiếc kim có triết lý nhất trên thế giới. Những mẫu đồng hồ nam hay nữ thuộc bộ sưu tập này của hãng đều có 2 mặt số, mặt chỉ giờ, phút ở vị trí 12h và mặt chỉ giây ở vị trí 6h. Hai mặt của đồng hồ có điểm giao cắt như hình số 8, giống với biểu tượng vô hạn khi nhìn ngang. Mặt chỉ kim giây là phần phình to như phần dưới của số 8, chứa duy nhất chiếc kim giây luôn dài và mỏng hơn, mặt chỉ có kim giờ và kim phút nằm bên trên. Thiết kế này thể hiện quan điểm của Jacquet Droz trong việc đo đếm thời gian. Cho đến tận ngày nay, là nét riêng để phân biệt đồng hồ của hãng so với các hãng thụy sỹ khác tại La Chaux-de-Fonds.

NHỮNG CHIẾC KIM RETROGRADE CỦA VAN CLEEF & ARPELS

Chúng ta đã nói nhiều về các kiểu dáng kim thông thường, nguyên liệu chế tạo hay sơn phủ. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những chiếc kim retrograde đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ. Về mặt cảm quan, những chiếc kim retrograde rất dễ nhìn. Chúng di chuyển theo hình vòng cung với quỹ đạo riêng qua các mốc thời gian và sau đó “nhảy” về 0. Tuy nhiên, sự hợp tác của Van Cleef & Arpels với bậc thầy đồng hồ Jean-Marc Wiederrecht đã mang đến cuộc cách mạng lớn cho những chiếc kim Retrograde.

Một trong những model rực rỡ nhất của Van Cleef & Arpels là chiếc đồng hồ nữ Van Cleef & Aprels Feerie. Bà tiên tay cầm một đũa phép, phía cuối chiếc đũa phép là các mốc chỉ giờ, còn đôi cánh lộng lẫy xòe ra chỉ phút.
 

kim đồng hồ

 

Một model khác là Van Cleef & Aprels Pont des amoureux là một tuyệt phẩm sáng tạo của sự lãng mạn trong ngành đồng hồ. Dường như không có một chiếc kim này trên mặt số. Thời gian được cách điệu bởi hình ảnh một đôi nam nữ gặp nhau trên một chiếc cầu dưới ánh trăng sáng.

Cuối cùng, đôi trai gái tìm thấy nhau như kết thúc có hậu của mọi câu chuyện tình yêu được kể lại.

Sức sáng tạo của Jean-Marc Wiederrecht dường như không có giới hạn, minh chứng là sản phẩm tiếp theo có tên “5 tuần trên khinh khí cầu” của Van Cleef & Aprels. Mặt số được thiết kế với một chiếc khinh khí cầu lớn. Kim retrograde được cách điệu là con chim bạc bay trên bầu trời, và kim chỉ phút là chiếc mỏ neo của khinh khí cầu.
 

kim đồng hồ

 

Năm 2011, hãng lại ra mắt sản phẩm mang tên “Giai điệu đàn bướm” với các kim chỉ giờ được cách điệu bởi 2 chú bướm bay xung quanh một cây cổ thụ lớn. Cũng năm này hãng giới thiệu chiếc “Từ trái đất tới mặt trăng” cho cuộc đấu giá “Only Watch” với kim giờ là kim giây là hình ảnh ngôi sao và tên lửa bay trong vũ trụ. Tất cả các sản phẩm trên đều được sản xuất giới hạn bằng các chất liệu quý với sự phức tạp trong cơ cấu chỉ giờ đã cho thấy đỉnh cao trong ngành chế tác đồng hồ của các nghệ nhân Van Cleef & Arpels.

NHỮNG CHIẾC KIM CỦA CÁC NHÀ SẢN XUẤT ĐỒNG HỒ ĐỘC LẬP

Gần đây, rất nhiều bậc thầy chế tác đồng hồ thường đứng ra thành lập nên các hãng đồng hồ độc lập, trong đó không ít các thương hiệu đã đạt được thành công rộng rãi và sớm trở nên phổ biến.

Với sự đa dạng về thương hiệu độc lập, cũng như tính độc nhất của nhiều sản phẩm của từng hãng mà bộ kim của mỗi hãng đều rất độc đáo. Trong khuôn khổ bài viết này xin phép chỉ đề cập đến bộ kim của 2 nhà sản xuất độc lập nổi tiếng hơn cả là Kari Voutilainen và Speake Marine.

+ Kari Voutilainen

Những sản phẩm của nghệ nhân bậc thầy này được công nhận bởi những thiết kế với những nét đặc trưng cùng những công nghệ mới nhất của 1 sản phẩm cơ khí hoàn hảo. Để được chú ý đến giữa vô vàn các sản phẩm cạnh tranh khác thì những sản phẩm của các hãng độc lập phải tách ra khỏi đám đông và khác biệt. Nói về điều này, Kari Voutilainen đã thành công. Kari sinh năm 1962 ở Phần Lan và đã học chế tác đồng hồ trong một thời gian dài ở Thụy Sỹ. Năm 2002, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng của mình. Hầu hết các model của Voutilainen được làm bằng tay, nên số lượng rất giới hạn. Mỗi sản phẩm lại sở hữu những kỹ thuật riêng và mang tính thẩm mỹ rất cao, cho thấy tay nghề điêu luyện của ông.

Những chiếc đồng hồ của ông thường có điều gì đó rất đặc biệt thu hút ánh mắt của người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sự xuất hiện của những chiếc kim, cọc số, các chữ số Arab hay La mã đều được sắp xếp gọn gàng, tinh tế và nhìn rất quang mắt tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về thời gian. Chiếc kim của ông theo nhiều người là một trong những yếu tố thành công nhất. Ban đầu có cảm giác nó hơi giống kim Breguet nhưng không phải. Chiếc kim của Kari có vòng tròn lớn hơn, mũi kim to hơn, thân kim dầy hơn và cảm giác cứng cáp hơn Breguet. Hầu hết các kim Breguet được làm bằng thép xanh còn kim của Kari thì không.
 



Kari Voutilainen GMR Kari Voutilainen Observatoire

Thiên tài chế tác đồng hồ này là một trong số ít những người thợ giỏi nhất thế giới, các sản phẩm của ông thường mang đến cho mọi người những bất ngờ đến kinh ngạc và thường đoạt giải ở cuộc thi đồng hồ danh tiếng Grand Prix d’Horlogerie de Genève như: chiếc Kari Voutilainen GMR hay Kari Voutilainen Observatoire.

+ Speake Marine

Speake Marine là hãng đồng hồ độc lập chuyên sản xuất các sản phẩm hi end được thành lập năm 2002 bởi thợ đồng hồ bậc thầy người Anh Peter Speake Marine và có trụ sở tại Bursins, Thụy Sỹ. Peter sinh năm 1968 tại Essex, nước Anh. Sau khi tốt nghiệp khóa học chế tạo đồng hồ ở trường Đại học kỹ thuật Hackney, Luân Đôn năm 1985, ông đến Thụy Sỹ và tham gia học chuyên sâu tại trường dạy đồng hồ nổi tiếng WOSTEP tại Neuchatel. Ông trở lại Anh sau đó và gia nhập Somlo Antique để phụ trách bộ phận chuyên phục chế đồng hồ cổ. Sau 7 năm làm việc tại Somlo, ông trở lại Thụy Sỹ lần 2 vào năm 1996 để phát triển mẫu các mẫu hi end complication cho Renaud & Papi (hiện nay là Audemars Piguet Renaud & Papi SA) và sau đó thành lập hãng đồng hồ độc lập mang tên mình vào năm 2002.
 

kim đồng hồ

 

Ba trong số nhiều mẫu kim khác nhau của Speake Marine

Nói về những chiếc kim, Speake-Marin hiện vẫn đang áp dụng những kỹ thuật truyền thống để làm những chiếc kim mang bản sắc riêng. Qui trình chế tác kim của Speake-Marin gồm 12 bước. Để làm một bộ kim, Speake-Marin mất ít nhất một ngày nhưng bù lại những chiếc kim sẽ tôn thêm giá trị của những chiếc đồng hồ mà chúng đi kèm. Nhãn hiệu độc lập này hiện đang sở hữu khoảng 10 mẫu kim khác nhau và tất cả đều có những dấu ấn phong cách riêng cho những chiếc đồng hồ Speake-Marin.

LỜI KẾT

Bài viết này muốn hướng sự chú ý của mọi người đến bộ kim của bất kỳ chiếc đồng hồ nào. Quan niệm về thời gian của mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào những bộ kim kỳ diệu này. Khi nhìn những chiếc kim lớn trên những mặt đồng hồ lớn ở bến xe, bến tàu chúng ta cảm nhận được thời gian trôi qua rõ rệt đến từng giây, còn đối với những chuyển động nhỏ trên cổ tay thì khó nhận thấy hơn.

Ngoài ra, rất nhiều thứ trong cuộc sống ngoài thời gian của bạn, phụ thuộc vào vị trí của những cây kim. Trong nhiều poster quảng cáo đồng hồ thường có bộ kim đứng ở vị trí 10h10. Ưu điểm đầu tiên của các chỉnh kim này là khiến các kim không bị trùng lên nhau, do đó khách hàng sẽ chiêm ngưỡng được toàn bộ thiết kế của kim, đặc biệt ở những mẫu đồng hồ đeo tay hạng sang. Bên cạnh đó khoa học đã chứng minh con người có xu hướng thiện cảm với các kết cấu đối xứng. Do đó bố trí 10h10 sẽ giúp chiếc đồng hồ bắt mắt hơn. Cuối cùng, cách chỉnh này còn giúp “tôn dáng” những chi tiết khác trên mặt đồng hồ. Ví dụ như logo của nhà sản xuất, thường được đặt ở chính giữa và dưới số 12, nổi bật giữa khung của kim phút và kim giờ. Còn ô hiện ngày tháng, thường có vị trí gần số 3,6,9 sẽ không bị che khuất.

Trong thời chiến tranh, thì biểu tượng chiếc kim tại 10h10 giống hình chữ V, viết tắt của từ Victory (chiến thắng). Trong y tế thì 10h là khoảng thời gian nguy hiểm nhất trong ngày khi nguy cơ đột quỵ có khả năng bắt đầu từ thời gian này. Trong thường nhật ở các nước phát triển thì một ngày làm việc bắt đầu từ 9h, cộng thêm thời gian ăn sáng và café thì khoảng 10h là thời gian chính thức làm việc. Trong công nghiệp thì 10h10 là mốc thời gian được cài trên tất cả các dây chuyền lắp ráp máy móc.

Theo tiết lộ từ những nhân viên của hãng đồng hồ nổi tiếng Timex, trước đây kiểu chỉnh kim tiêu chuẩn là 8h20. Tuy nhiên, chỉnh kim kiểu này lại khiến chiếc đồng hồ giống như một bộ mặt đang cau có. Để sản phẩm của mình trở nên vui vẻ hơn, các nhà sản xuất đã đảo ngược hai kim lại về 10h10 để có hình dáng của một nụ cười. Từ đó 10h10 trở thành kiểu chỉnh kim truyền thống, thậm chí còn là giờ mặc định của cả những chiếc đồng hồ.

Tất cả những câu chuyện trên suy cho cùng cũng chỉ là những câu chuyện vui để nói lên tầm quan trọng của những chiếc kim – những thứ tuy nhỏ nhưng không hề nhỏ. Bởi với nó, chúng ta vẫn phải vặn tới, vặn lui mỗi ngày để chỉnh giờ cho chính xác. Nó giúp con người quản lý và phân bổ thời gian một cách hiệu quả cho từng công việc với mức độ quan trọng khác nhau một cách hợp lý nhất bởi ai đó đã nói rằng tiền có thể mua được chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian.

Đọc thêm: Câu Chuyện Về Những Chiếc Kim Đồng Hồ(P1)

                Câu Chuyện Về Những Chiếc Kim Đồng Hồ(P2)

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TRỰC TUYẾN ĐĂNG QUANG

VPGD: Số 55 Trần Đăng Ninh – Cầu Giấy – TP. Hà Nội - Email: contact@dangquangwatch.vn

Giấy CNĐKKD và MSDN số: 0104938104 đăng ký lần đầu do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 07/10/2010

Top