Những điều bạn chưa biết về kim giây của đồng hồ

Nhắc đến kim giây, nhiều người sẽ nghĩ ngay ra rằng nó dùng để đếm giây, kết hợp với kim giờ, kim phút tạo thành bộ ba kim hoàn chỉnh trên mặt số đồng hồ. Điều này đúng, song nếu tìm hiểu về kim giây thì chúng ta thấy không đơn thuần chỉ có vậy, mà nó còn tinh tế, lý thú hơn nhiều.

Kim giây dùng để phân biệt đồng hồ cơ và đồng hồ pin

Ai từng có cơ hội đeo thử cả mẫu đồng hồ cơ và đồng hồ pin được trang bị kim giây trong một thời gian thì sẽ nhận ra điểm khác biệt giữa chúng không chỉ dựa vào vẻ bề ngoài, qua ký hiệu được nhà sản xuất khắc lên mặt số hoặc phía sau nắp lưng, mà sẽ nhìn vào sự chuyển động của kim giây. Nếu là đồng hồ cơ, người đeo sẽ thấy kim giây chuyển động lướt, trôi nhẹ nhàng, còn kim giây đồng hồ qua pin sẽ giật từng nấc một. 

 

 

Phân biệt giữa kim giây bình thường và kim giây đo tốc độ

Thông thường nếu chưa tìm hiểu kỹ thì chúng ta luôn nghĩ chiếc kim nhỏ, dài nhất trên mặt số đồng hồ sẽ là kim giây, song nó chỉ đúng với chiếc đồng hồ cơ bình thường, còn đối với đồng hồ chronograph lại không chính xác. Ở những chiếc đồng hồ có chức năng bấm giờ chronograph thì kim giây trung tâm đó thường sẽ là kim giây bấm giờ. Kim này sẽ hoạt động khi người đeo kích hoạt chức năng chronograph bấm giờ, còn không nó sẽ đứng yên một chỗ trên mặt số, dù kim giờ và kim phút vẫn di chuyển bình thường. Dù kim giây bấm giờ đặt tại vị trí này sẽ khiến không ít người hiểu nhầm, song xét trên yếu tố thẩm mỹ và sự tiện lợi thì có thể thấy nó khá phù hợp. Người đeo sẽ dễ dàng theo dõi được thời gian giây khi sử dụng thay vì một mặt số phụ nhỏ. 

 

 

Kim giây có thể nằm ở mặt số phụ

Để tránh bị nhầm lẫn giữa kim giây bấm giờ và kim giây đồng hồ trong thiết kế mặt số phụ, người đeo có thể dựa vào một số đặc điểm nhận diện, ví như nếu đồng hồ được trang bị chức năng chronograph thì kim giây ở mặt số phụ này sẽ là kim bấm giờ, còn ngược lại không có chức năng chronograph thì sẽ là kim giây đồng hồ thông thường

 

Kim giây dùng để nhận biết đồng hồ lặn còn hoạt động

Điểm qua các bộ sưu tập đồng hồ lặn đến từ các thương hiệu như Tissot, Seiko, Citizen, Orient… chúng ta sẽ thấy hầu hết chúng đều được trang bị đầy đủ kim giờ, kim phút và đặc biệt là kim giây. Đối với các dòng đồng hồ khác kim giây có thể không cần thiết, hoặc nếu có thì không cần phải thiết kế dạ quang, song đối với đồng hồ lặn thì nó cực kỳ quan trọng. 

 

 

Khi lặn dưới nước, càng xuống sâu ánh sáng sẽ càng kém, chính vì vậy việc trang bị dạ quang cho kim đồng hồ là điều bắt buộc phải có nhằm giúp người lặn dễ dàng theo dõi được thời gian trôi qua để trồi lên mặt nước tránh những rủi ro đáng tiếc như hết oxy, chưa giảm áp... Tuy nhiên, kim giờ và kim phút di chuyển với tốc độ khá chậm nên khó có thể nhận biết đồng hồ còn hoạt động hay không khi lướt nhìn, chính vì vậy kim giây sẽ đảm nhận nhiệm vụ quan trọng thông báo cho chủ nhân rằng đồng hồ vẫn chạy tốt. 

 

Kim giây có thể không cần thiết trên đồng hồ thông thường

Thực tế thì hầu hết chúng ta đi mua đồng hồ rất ít khi để ý xem mẫu đồng hồ ấy có kim giây hay không, bởi dù không có nó thì khi nhìn lên mặt số đồng hồ người mua vẫn sẽ cảm nhận được các chi tiết kết hợp hài hòa với nhau tạo nên một tổng thể mặt số thẩm mỹ. Tuy nhiên, những chức năng như kim giờ, kim phút, … thì lại không thể không có. Vì lý do này nên rất nhiều hãng đồng hồ đã loại bỏ kim giây trên những mẫu đồng hồ thông thường. 

 

CÔNG TY CỔ PHẦN TRỰC TUYẾN ĐĂNG QUANG

VPGD: Số 55 Trần Đăng Ninh – Cầu Giấy – TP. Hà Nội - Email: contact@dangquangwatch.vn

Giấy CNĐKKD và MSDN số: 0104938104 đăng ký lần đầu do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 07/10/2010

Top